Lời ngỏ

Đổi mới , đổi mới công nghệ và đổi mới giáo dục

Trong một thế giới phát triển không ngừng, đổi mới luôn là một mệnh lệnh tất yếu. Ở một đất nước đang vươn lên như Việt Nam, mà Hiến pháp đã ghi rõ Giáo dục là quốc sách hàng đầu, mệnh lệnh đó càng trở nên cấp thiết. Và đặc biệt là, trong những năm gần đây, những hồi chuông báo động về hiện trạng giáo dục và đòi hỏi cải cách hay “chấn hưng” giáo dục đã vang lên ngày càng nhiều.

Nói đến giáo dục hay công việc dạy học, trước tiên phải nói đến các vấn đề sư phạm. Nói đến đổi mới, ngày nay điều đó thường gắn với hai chữ “công nghệ”. Thế nhưng, một sự đổi mới trong dạy học không chỉ là phép cộng đơn thuần giữa hai mặt “sư phạm” và “công nghệ”. Nó đòi hỏi một sự kết hợp hài hòa của cả hai khía cạnh: công nghệ phải phục vụ đúng các mục đích sư phạm; và các yêu cầu sư phạm phải khai thác và điều khiển được các ưu điểm của công nghệ theo đúng mục tiêu của mình.

Nhu cầu đổi mới giảng dạy trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là rất cao, và đòi hỏi một sự phân tích sâu sắc về bối cảnh quá khứ và hiện tại, về thói quen và những bước đổi mới đã thực hiện (cả thành công lẫn thất bại), nhằm giúp tìm ra được một hay nhiều mô hình thích hợp để áp dụng và chuyển đổi dần trong toàn hệ thống.

Thực tế là cho đến nay, có thể nói không ngoa là những nỗ lực đổi mới trong giảng dạy dường như chỉ mới dừng lại ở khía cạnh áp dụng công nghệ mới (đa phần là soạn “bài giảng điện tử” hoặc đưa bài giảng lên mạng để tham khảo dưới dạng học liệu mở) mà chưa đi sâu nghiên cứu các vấn đề sư phạm trong dạy học trực tuyến. Điều này có thể mang đến nhiều nguy cơ nhầm lẫn về tính hữu ích và vai trò của công nghệ trong bối cảnh giáo dục mới, và đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu (Carr-Chellman và Duchastel, 2001; Bouthry và Jourdain, 2003; Charlier, trong Wallet, 2004; Delaby, 2006). Thật vậy, đổi mới phương pháp ứng dụng công nghệ trong dạy học, cụ thể là trong dạy học trực tuyến, luôn đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động chuyển giao tri thức và kĩ năng với các khía cạnh khác như phương tiện hóa (médiatisation) tiến trình học tập, thời gian tính (temporalité) trong học tập, sự uỷ nhiệm (délégation) quá trình giảng dạy, v.v. (Wallet, 2004).

Điều gì là quan trọng trong dạy học trực tuyến?

Một khái niệm quan trọng mà người thầy cần ghi nhớ là: trong học tập trực tuyến, người học hoàn toàn cô độc trước máy tính, và phải tự điều khiển toàn bộ các hoạt động tương tác nhằm đạt đến các mục tiêu học tập đã được đặt ra (Delaby, 2006). Và do đó, người thầy cần phải thấy rằng chất lượng sư phạm của một khoá học hay giáo trình có tầm quan trọng không thể chối cãi khi muốn đưa vào sử dụng trực tuyến, ít nhất là không thể đánh giá mặt sư phạm thấp hơn mặt công nghệ (lâu nay đã ít nhiều được đề cao thái quá).

Về mặt giáo học pháp, khi hoàn cảnh giảng dạy thay đổi, phương pháp sư phạm cũng phải thay đổi cho thích hợp. Sự sao chép máy móc từ môn học trực diện (thầy và trò mặt đối mặt trên giảng đường) lên mạng thành môn học trực tuyến không thể nào dẫn đến thành công, bởi bối cảnh sư phạm của hai hình thức dạy-học này hoàn toàn khác nhau. Để dạy học trực tuyến có hiệu quả, người thầy cần có cả những kĩ năng sư phạm lẫn năng lực công nghệ nhằm thực hiện tốt việc tổ chức và phương tiện hóa giáo trình của mình.

Hệ thống quản lí học tập trực tuyến Moodle và HocHanh.info

Một trong những công cụ được sử dụng nhiều và phổ biến trong dạy học trực tuyến hiện nay, và sẽ còn chiều hướng phát triển mạnh trong tương lai, đó là Moodle, hệ thống quản lí học tập trực tuyến. Ở Việt Nam, hệ thống này đã được phổ biến ở nhiều nơi, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức khuyến khích quảng bá sử dụng. Tuy nhiên, làm sao để khai thác các chức năng công nghệ của hệ thống đồ sộ này vào các mục đích sư phạm, nhiều khi chỉ là những việc đơn giản và thiết yếu nhất trong một môn học, thì không phải ai cũng hiểu và cũng làm được tốt. Nhất là khi các nghiên cứu giáo học pháp và khoa học giáo dục nói chung ở trong nước dường như vẫn chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ dạy học trực tuyến này.

HocHanh.info ra đời nhằm mục tiêu làm cầu nối giữa hai mặt công nghệ và sư phạm đó. Quý thầy cô giáo, dù ở bậc phổ thông hay cao đẳng, đại học, nếu có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ hay đào tạo cả về phương pháp luận và kĩ thuật đưa bài giảng lên mạng, sẽ vô cùng được hoan nghênh tại đây. Khi tham gia, quý thầy cô sẽ không phải đóng bất cứ khoản phí nào cho HocHanh.info cả. Nếu đồng ý với các điều kiện sử dụng do HocHanh.info đưa ra, xin vui lòng liên hệ với người quản trị để cấp quyền và hướng dẫn sử dụng.

Thành phố Hồ Chí Minh, viết lần đầu: tháng 01/2009, cập nhật: tháng 03/2020

Nguyễn Tấn Đại

Nhà tư vấn độc lập về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy và đào tạo

http://nguyentandai.vn


Tài liệu tham khảo
  1. Bouthry A, Jourdain C. 2003. Construire son projet de formation en ligne. Paris : Editions d’Organisation. 283 p.
  2. Carr-Chellman A, Duchastel P. 2001. The ideal online course. Library Trends, 50(1) : 145-158.
  3. Delaby A. 2006. Créer un cours en ligne : De l’analyse de l’environnement à la réalisation technique. Paris : Editions d’Organisation. 178 p.
  4. Wallet J. 2004. Entre pratique réflexives et approches théoriques en formation à distance : questions croisées. Distances et savoirs, 2(1) : 9-23.

Modifié le: dimanche 29 mars 2020, 16:53